Những Loại Thực Phẩm Có Khả Năng Gây Mụn Trứng Cá

Chế độ ăn uống hàng ngày có thể ảnh hưởng đến làn da của bạn. Nhiều loại thực phẩm chứa các chất gây kích ứng, viêm nhiễm hoặc tăng tiết dầu, khiến da nổi mụn. Để làn da sạch mụn và khỏe mạnh, bạn nên tránh những thực phẩm gây mụn này. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thực phẩm có khả năng gây bùng phát mụn

Mặc dù chế độ ăn uống không phải là yếu tố quyết định việc làn da của bạn bị mụn hay không, nhưng chúng có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mụn nhọt, mụn trứng cá, da nhờn hoặc mụn sẵn có[1]. Vì mụn trứng cá tác động lên các tuyến dầu của da nên việc cắt giảm các thực phẩm gây kích thích quá mức đến các tuyến này là điều hợp lý để giảm dấu hiệu của mụn trứng cá. Bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống để xem còn loại thực phẩm nào khác ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá hay không.

Một số loại thực phẩm đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Khi các thực phẩm này được tiêu thụ, chúng gây ra sự gia tăng đột ngột của lượng đường trong máu, có thể gây viêm đồng thời tăng nồng độ insulin. Điều này kích thích quá trình sản xuất bã nhờn và có thể khiến da nổi mụn.
  • Các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mỳ, ngũ cốc ăn sáng đã qua chế biến, gạo trắng, bánh vòng, khoai tây chiên, bánh quy và đồ ngọt có thể phân giải nhanh trong cơ thể và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát mụn trứng cá[2].
  • Sữa, đặc biệt là sữa từ bò đang mang thai, cũng có tác động tương tự tới cơ thể giống các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao do chứa các hormone kích thích sản sinh bã nhờn[3]. Các hormone tăng trưởng tìm thấy trong sữa có thể kích thích tăng sinh da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông[4]. Bạn nên giảm lượng sữa tiêu thụ và xem xét việc bổ sung canxi hay kết hợp các thực phẩm giàu canxi hơn như nước cam, sữa đậu nành, đậu phụ, hạnh nhân, rau chân vịt và bông cải xanh vào chế độ dinh dưỡng của bạn[5].
  • Có một số loại thực phẩm được coi là lành mạnh cũng có thể gây mụn. Các sản phẩm ít béo hay không chứa chất béo như sữa chua không béo hoặc phô mai ít béo thường chứa thêm đường để bổ sung hương vị, do đó có thể gây viêm nhiễm[6].
    Ngoài ra, nước hoa quả và nước sinh tố thường có lượng đường cao và chất xơ ít, điều này làm gia tăng sản xuất bã nhờn, vì thế, ăn trái cây tươi ở dạng nguyên trái là sự lựa chọn tốt hơn.
  • Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, rượu, sô cô la và thức ăn nhiều dầu mỡ không gây ra mụn trứng cá một cách rõ ràng và không có bằng chứng nào cho thấy chúng làm tăng mụn[7].
    Tuy nhiên uống rượu thường xuyên có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại vi khuẩn và nhiễm trùng của cơ thể’ điều này có thể dẫn đến mụn trứng cá.

Những loại thực phẩm ngăn ngừa mụn trứng cá hiệu quả

Ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp - phần lớn các loại rau, ngũ cốc nguyên hạt và hầu hết các loại trái cây - có thể giúp giảm dầu trên da - một trong những nguyên nhân gây mụn, vì chúng chứa các beta-carotene có đặc tính chống viêm. Các loại rau ăn lá có màu xanh sẫm như rau chân vịt có thể giúp loại bỏ các độ tố khỏi cơ thể, những độc tố này nếu không được loại bỏ có thể gây ra mụn trứng cá. Đối với axit béo omega-3, đây là một chất giảm viêm tốt cho da mụn có trong cá hồi, cá trích, hạt óc chó và hạt lanh[8]. Trà xanh và các loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa có đặc tính kháng viêm, giảm mụn. Các men vi sinh có trong sữa chua, sauerkraut (bắp cải muối chua), sô cô la đen, dưa chua, kimchi và trà kombucha làm giảm tình trạng viêm trong ruột và góp phần mang lại làn da sáng hơn.

Nguồn:
[1] Kucharska, A. et al, 'Significance of diet in treated and untreated acne vulgaris' in Postepy Dermatology Allergology 33.2 (2016) pp. 81-86
[2] Katta, R. et al, 'Diet and Dermatology: The Role of Dietary Intervention in Skin Disease' in The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology7.7 (2014) pp. 46-51
[3] Katta, R. et al, 'Diet and Dermatology: The Role of Dietary Intervention in Skin Disease' in The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology7.7 (2014) pp. 46-51
[4] Pappas, A. 'The relationship of diet and acne' in Dermato Endocrinology 1.5 (2009) pp. 46-51
[5] Ross, A.C. ‘‘ Dietary Reference Intakes for Calcium and Vitamin D in Institute of Medicine (US) Committee to Review Dietary Reference Intakes for Vitamin D and Calcium’ (2011)
[6] Katta, R. et al, 'Diet and acne: an exploratory survey study of patient beliefs' in Dermatology Practical & Conceptual 6.2 (2016) pp. 21-27
[7] Kucharska, A. et al, 'Significance of diet in treated and untreated acne vulgaris' in Postepy Dermatology Allergology 33.2 (2016) pp. 81-86
[8] Pappas, A, 'The relationship of diet and acne' in Dermato Endocrinology 1.5 (2009) pp. 262-267